Tại sao răng số 8 thường phải nhổ
15-03-2011
3249
TẠI SAO RĂNG SỐ 8 THƯỜNG PHẢI NHỔ

   Răng khôn còn gọi là răng số 8 là răng hàm lớn thứ 3, răng cuối cùng trong cung hàm và là răng mọc cuối cùng ở tuổi trưởng thành ( khoảng 18 đến 25 tuổi ). Điều thường xảy ra là do không đủ khoảng trống cho việc mọc lên của răng sô 8 và vì vậy răng số 8 sẽ bị kẹt một phần hoặc toàn bộ trong xương hàm. Khi bị kẹt một phần, vùng lợi phủ trên thân răng do đọng nhiều thức ăn thường xuyên bị viêm gọi là bệnh lý lợi trùm. Thức ăn bị đọng lại góc tạo bởi mặt nhai của răng số 8 bị nghiêng ( lệch ) vào mặt bên của răng số 7 là nguyên nhân gây nên sâu răng số 7 do răng khôn. Vì vậy khi răng khôn mọc lệch, lời khuyên thường là nhổ răng số 8 trước khi nó gây ra biến chứng viêm quanh răng và sâu hỏng răng số 7.
   
   Các biến chứng thường gặp trên răng số 8:

- Sưng lợi do lợi trùm: Vì răng khôn mọc ở vị trí trong cùng của hàm nên thường bọ lợi vùng quanh che phủ lên mặt nhai, tình trạng này tạo ra một hầm chứa thức ăn tạo bởi niêm mạc lợi là nắp của hầm và mặt nhai răng số 8 là nên của hầm, hầm này chứa thức ăn là nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn, đồ ăn giắt vào thường khó được lấy ra hết và vì có nhiều vi khuẩn nên vùng này thường dễ bị sưng đau, nhiễm trùng cơ hội khi sức đề kháng của cơ thể giảm như stress, gắng sức, sau phẫu thuật, có thai, sau sinh nở, khiến lợi trùm lên mặt nhai răng số 8 này bị sưng và chảy máu và có tính tái phát.
 

- Sâu răng: Răng khôn mọc ngang sẽ đâm vào răng hàm ở phía trước ( răng số 7 ), thức ăn đọng lại khó được lấy ra bằng bàn chải và là yếu tố thuận lợi cho cơ chế sâu răng, khi sâu răng đã xảy ra, lỗ sâu tăng dần về kích thước và dần dần phá hoại cấu trúc của rang số 7, hậu quả cuối cùng là làm hỏng răng số 7.

- Nhiễm khuẩn: Răng khôn mọc chen chúc do không đủ chỗ khiến thức ăn dễ bị kẹt lâu, gây viêm lợi. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi răng khôn hàm trên đập vào lợi của răng khôn hàm dưới. Những chiếc răng này nên được lấy ra trước khi lợi bị nhiễm khuẩn vì khi đã nhiễm khuẩn và hàm bị sưng, độc tố của vi khuẩn sẽ lan rất nhanh từ quai hàm đến cổ họng rồi xuống lồng ngực. Cần đến bác sĩ ngay nếu bệnh nhân sốt cao, không thể mở miệng quá 20 mm, mắt bị sưng và đau.

- Làm hỏng tủy răng trước: Nếu răng khôn mọc ngầm, nó có thể đâm lên chân hoặc thân răng răng số 7 phía trước và làm thủng chân hoặc thân những chiếc răng này. Sau khi răng khôn được lấy ra, có thể phải điều trị tủy của những chiếc răng số 7 nếu răng này đã bị nhiễm trùng tủy răng do lỗ thủng.

- Yếuquai hàm: Răng khôn mọc ngầm thường chiếm một chỗ lớn trong xương hàm, vùng quanh răng khôn này cũng có nguy cơ hình thành các tổn thương bệnh lý như nang chân răng, viêm mô tế bào, tiêu xương quanh ổ răng làm giảm độ cứng chắc của xương hàm ở vùng góc hàm.

- Đẩy răng cửa lộn xộn: Lúc mọc ra, răng khôn có thể đẩy những chiếc răng cửa chạy lộn xộn. Sự phát triển của hàm trên thường dừng lại trước sự phát triển của hàm dưới. Nếu răng cửa trên và dưới mọc đúng vị trí mà hàm dưới tiếp tục phát triển thì những chiếc răng của hàm dưới sẽ bị đẩy và trở thành không thẳng hàng do răng số 8 mọc hướng ra phía trước dồn hàng tạo lực đẩy vào răng số 7.

Vì những lý do trên, răng khôn mọc bất thường nên được lấy ra sớm, lúc bệnh nhân còn ở tuổi thanh niên. Nhổ răng khôn ở tuổi này có nhiều lợi ích:

- Thủ thuật nhổ được thực hiện dễ dàng hơn bởi răng và chân răng còn nhỏ.

- Bệnh nhân dễ dàng và nhanh chóng bình phục sau khi nhổ răng.

- Khả năng phát triển của xương còn tốt nên khi nhổ, chỗ chân răng trống được khôi phục nhanh hơn.

- Nhổ răng khi chưa có các hậu quả kể trên.

   

Dưới đây là video minh họa một đoạn xương hàm dưới bên trái với các răng từ răng số 1 đến răng số 7 đã mọc thẳng hướng, răng số 8 mọc sau cùng ở tuổi trưởng thành thiếu chiều ngang xương nên hướng mọc bị xiên ra phía trước húc vào răng số 7. Chỉ định nhổ răng số 8 mọc nghiêng này nhằm giảm nguy cơ cho răng số 7 và loại bỏ một nguyên nhân gây hôi miệng hàng ngày do sự đọng thức ăn từ góc răng số 8.
  
   Sau khi được gây tê tại chỗ, bệnh nhân hoàn toàn không có cảm giác đau tại vùng răng cần nhổ, thân răng khôn sẽ được cắt góc tì vào răng số 7 nhằm thu hẹp thể tich răng số 8 và đưa răng khôn ra khỏi vị trí tự nhiên giảm nguy cơ làm lung lay răng số 7 khi thực hiện động tác bẩy răng số 8, nếu đường ra hẹp, có thể chia răng số 8 ra nhiều phần hơn nữa để lấy từng phần ra nhằm giảm thiểu sự đụng giập các mô lợi và xương hàm gần cận đó, việc này có ý nghĩa giúp quá trình hậu phẫu nhẹ nhàng và ít đau nhất.

   Sau khi loại bỏ hoàn toàn răng số 8 ra khỏi ổ răng, bệnh nhân được hướng dẫn chăm sóc vết thương, uống thuốc, hẹn tái khám...


Chia sẻ thông tin   Gửi bài viết này cho bạn bè Bản in
Các bài viết khác
Share:
scroll up
1
Bạn cần hỗ trợ?
 
Bấm vào để gọi: 0982098218